Hơn một tháng vừa rồi, cuốn sách luôn trên tay tôi trước giờ đi ngủ là “Trăm Năm Cô Đơn” (One Hundred Years of Solitude), một tác phẩm văn học của tiểu thuyết gia Gabriel Garcia Marquez.
Kín đặc 500 trang sách, “Trăm Năm Cô Đơn” dường như chứa đựng tất cả mọi thứ. Đó là những mẩu chuyện được ghép nối qua nhiều thế hệ của dòng họ Buendia, dẫn người đọc đi qua những thăng trầm, những niềm hân hoan và nỗi thống khổ xuyên suốt một trăm năm bằng lối hành văn kỳ ảo và đầy lôi cuốn.
Câu chuyện không tập trung vào một nhân vật chính nào xuyên suốt, mà chồng chéo lên nhau là nhiều mảnh đời, nhiều nhân vật trong cùng một gia đình, tuy sinh ra ở những thời điểm khác nhau nhưng có tên gọi giống nhau - một nét đặc trưng trong văn hoá Mỹ Latin thời kỳ hậu thực dân (post-colonial era).
Mỗi nhân vật trong câu chuyện đều có một hành trình riêng. Nhưng điểm chung kết nối giữa họ không phải chỉ là dòng máu hay tên gọi, mà còn là nỗi cô đơn cùng cực nơi sâu thẳm tâm hồn, thứ khiến họ hoặc quằn quại trong niềm thương nhớ, hoặc tự cô lập mình trong một thế giới riêng, hoặc chìm đắm trong dục cảm của những mối tình bị cấm đoán.
Xen lẫn giữa những phiêu lưu tình ái, những phi vụ làm ăn, những cuộc chơi trác táng, những cuộc chiến tàn khốc… còn là sự ẩn hiện của những hồn ma, của lời tiên tri, của phép thuật… những yếu tố phi thường đặc trưng của dòng “hiện thực kỳ ảo” (magical realism), khiến thế giới hư cấu của “Trăm Năm Cô Đơn” hiện lên đầy phong phú và huyền nhiệm.
Những thế hệ con người sinh ra và chết đi, để lại trong dư vị người đọc niềm man mác như đã cùng họ sống cả một cuộc đời nhiều kỷ niệm….
Là một người viết, dấu ấn đậm nét nhất cuốn sách để lại trong tôi là những câu văn trùng điệp đầy nhạc tính, vừa mộng mơ sáng tạo, vừa chi tiết đến đáng ngạc nhiên, thể hiện năng lực tưởng tượng siêu việt và… dị thường của tác giả. Mặc dù tiết tấu truyện nhanh và lướt qua dòng đời của nhiều nhân vật, những hình ảnh được ông khắc hoạ chân thực và trù phú như những trích đoạn được cắt ra từ một cuốn phim, chạm đến giác quan và cảm xúc của người đọc theo những cách đầy khác lạ.
Có thể nói, Gabriel Garcia Marquez đã thật sự “chơi đùa” với tâm trí người đọc. Văn phong của ông xoá nhoà ranh giới giữa tỉnh và mơ, biến hoá cho những gì “thật” mà như “ảo” bởi những phép ẩn dụ giàu biểu tượng, “ảo” mà như “thật” bởi những tình tiết khác thường đầy sống động.
Mặc dù mạch truyện ấy, lối viết ấy, khiến cuốn sách dường như khó đọc (như những bình luận phổ biến tôi thường thấy), nhưng với bản chất phi lý (absurdity) của câu chuyện, tôi cho rằng những diễn biến lạ lùng của “Trăm Năm Cô Đơn” được viết ra để cuốn bạn trôi theo một chuyến du ngoạn vào cõi mơ, tuy chẳng hề mạch lạc rõ ràng nhưng lại đậm đà những hương vị ngọt đắng của cảm xúc.
Những sự đột phá ấy đã góp phần giúp Gabriel Garcia Marquez đoạt giải Nobel văn chương năm 1982, xếp “Trăm Năm Cô Đơn” vào hàng ngũ của những tác phẩm văn học kinh điển của thế kỷ 20.
Tác phẩm của Gabriel Garcia Marquez gợi lên trong tâm tưởng người đọc những suy tư về số phận, về vòng lặp của thời gian, và về tính tiền định (fatalism) của kiếp sống con người. Trong bức tranh xuyên suốt nhiều thế hệ, những sướng khổ của họ dường như tuân theo một kịch bản chung: những đứa con thừa hưởng từ cha ông từ tên gọi, ngoại hình, cho đến tính cách, ngang bướng theo đuổi ham muốn và lý tưởng của mình để rồi lặp lại những sai lầm của họ năm xưa, và cuối cùng tất cả sẽ bị vùi lấp trong rêu mốc và cát bụi của năm tháng…
Nhìn chung, “Trăm Năm Cô Đơn” là một cuốn sách không “dễ nhằn”. Nó thử thách người đọc với những tên gọi trùng lặp, những tình tiết rối rắm, những sự kiện khó hiểu.
Nhưng nếu đủ kiên nhẫn, cuốn sách có thể làm thoả mãn những ai say mê sự sáng tạo đầy đột phá và hỗn loạn, hoặc yêu thích những trầm bổng tinh tế và đầy màu sắc của thế giới văn chương.
Đối với tôi, “Trăm Năm Cô Đơn” là cuốn sách nên đọc ít nhất một lần trong đời.
(Credit: FB Hà Minh)